Hương phụ là một trong những vị thuốc được các thầy thuốc Đông y dùng để chuyên chữa các bệnh phụ nữ cùng với các vị thuốc khác như ích mẫu, ngải cứu, bạch đồng nữ…
Hương phụ còn gọi là củ gấu, cỏ gấu, cỏ cú. Tên khoa học Cyperus rotundus L; thuộc họ Cói Cyperaccae.
Chi Cyperus là chi gồm hơn 700 loài, phân bố rộng rãi khắp thế giới ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam có khoảng 45 loài, mọc ở khắp nơi, trừ vùng núi cao hơn 2000 m. Thường nhất là mọc tập trung ven biển trên các bãi cát từ Móng Cái đến Hà tiên, hoặc mọc hoang trên đồng ruộng… Ngoài Việt Nam còn có nhiều ở một số nước châu Á như Indonexia, Nhật Bản.
Vị hương phụ là thân rễ (Rhizoma Cyperi) phơi hay sấy khô của cây củ gấu hay cỏ gấu Cyperus rotundus L.
Cây cỏ gấu là một loại cỏ mọc hoang khó tiêu diệt đối với nhà nông, nhưng là một vị thuốc quý nếu biết sử dụng.
Các thầy thuốc đông y thường truyền nhau câu: “Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ”, có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu được vị trần bì và chữa bệnh cho nữ giới không thể không dùng vị hương phụ.
Cỏ gấu là một loại cỏ, thân rễ phát triển phình ra thành củ. Tùy theo đất rắn hay xốp củ phát triển to hay nhỏ. Ở vùng bờ biển củ to dài còn gọi là hải hương phụ (hương phụ vùng biển).
Khi dùng có thể dùng sống gọi là sinh hương phụ, có thể sao tẩm với 4 loại hương liệu khác nhau cho ra các tác dụng điều trị bệnh khác nhau gọi là tứ chế.
Trong hương phụ có từ 0,3 đến 2,8% tinh dầu màu vàng, mùi thơm nhẹ đặc biệt của hương phụ. Ngoài ra, hương phụ còn chứa rất nhiều tinh bột.
Cây hương phụ có tác dụng gì với tử cung? Chiết xuất cao lỏng hương phụ 5 % được thí nghiệm trên tử cung cô lập chuột lang, thỏ, mèo và chó đều sẽ có tác dụng ức chế co bóp tử cung, đồng thời giảm trương lực thành tử cung. Điều này cũng đã được chứng minh trên tử cung bình thường cũng như tử cung đang trong thời kỳ mang thai. So sánh với Đương quy, tác dụng ức chế co bóp tử cung của Hương phụ sẽ yếu hơn. Thành phần dầu chiết từ Hương phụ có tác dụng tương tự như hormone estrogen, nhưng không quá mãnh liệt
Theo Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức và Lưu Thiệu Quang (Trung Hoa y học tạp chí) đã dùng vị hương phụ chế thành cao lỏng 5%, thí nghiệm 102 lần trên tử cung cô lập của thỏ, mèo, chó và chuột bạch đã chứng minh hương phụ có khả năng ức chế co bóp tử cung, làm dịu sự căng thẳng của tử cung dù con vật có thai hay không có thai đều như nhau, gần như có tác dụng trực tiếp làm cho cơ tử cung dịu lại.
Một số tác giả ở Quý Dương y học viện (Trung Quốc) báo cáo nghiên cứu và chứng minh tác dụng giảm đau trên chuột nhắt trắng.
Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mạn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở.
Đau dạ dày do thần kinh, giúp tiêu hóa tốt, ăn không tiêu, chữa nôn mửa, đau bụng, đi lỵ.